Những điều bạn cần biết về kiến ba khoang

Trong cơ thể kiến ba khoang chứa độc tố Pederin, có độc tính mạnh. Nếu chẳng may dính phải dịch cơ thể của chúng sẽ gây những nguy hiểm như thế nào và cách xử lý, phòng tránh là gì,  mọi người hãy cùng topdanangcity tìm hiểu nhé.

Contents

Đặc điểm nhận biết về kiến ba khoang:

Kiến ba khoang thực chất là một loài bọ cánh cứng, có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc Họ Staphilinidae (cánh cụt), Bộ Coleoptera (Cánh cứng), Lớp Insecta (Côn trùng), Ngành Động vật.

Đặc điểm nhận biết là có cơ thể thon dài (dài từ 0,8 – 1,2 cm và ngang từ 2,5 – 5,5mm) bụng chia thành 3 đốt và càng nhọn về phần đuôi, có màu cam hoặc sậm màu, vùng bụng trên màu đen và đính kèm đôi cánh cứng màu trong suốt được gấp gọn trên. Đầu có 2 râu, đặc điểm dễ nhận ra chúng nhất là có thể bay và chạy rất nhanh.

Hình ảnh kiến ba khoang

Tập tính và thức ăn của kiến ba khoang:

Kiến ba khoang thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, trong những nơi đang xây dựng.

Về tập tính và thức ăn của chúng thì các loài bọ này thường tìm thấy trên các ruộng lúa (từ năm 1919), môi trường trường học, ký túc xá, khu ở trọ, nhà ở tập thể công nhân ngoại ô thành phố, có cỏ mọc xung quanh. Khi ruộng lúa xuất hiện rầy nâu, sâu cuốn lá, chúng tìm đến chui vào tổ sâu ăn thịt từng con, chúng được xem như là loài thiên địch. Khi ruộng lúa vào mùa gặt, chúng thường bay vào các khu chung cư cao tầng nơi có ánh sáng đèn để ăn các loại côn trùng rầy nâu, bọ hóng….trong nhà.

Ở Việt Nam, chúng được phát hiện cách đây vài năm ở các khu chung cư cao tầng: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh… nơi gần với cánh đồng lúa. Loài này thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa, với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm.

Kiến ba khoang trong tự nhiên

Kiến ba khoang cắn, đốt có độc hay không?

Thật ra đây là một loại bọ hiền lành, chúng không cắn hoặc đốt chích người, và dù có thì vết cắn đó cũng sẽ không có độc tố để gây ra các tác hại như mọi người thường nghĩ.

Mặc dù là con vật hiền lành, tuy nhiên do cơ chế phòng thủ sinh học để chống lại các kẻ thù khác mà bên trong cơ thể kiến có chứa chất Pederin (C24H43O9N), là loại độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. 

Nọc độc của kiến ba khoang so với rắn hổ mang

Chất Pederin không được kiến chủ động tiết ra mà nó chỉ tồn tại trong cơ thể kiến. Khi ta vô tình đập làm cơ thể chúng bị nghiền nát, chất này mới được giải phóng ra môi trường. Khi chất Pederin dính vào vùng da con người, nhất là vùng da non, vùng da nhạy cảm (da vùng mặt, cổ, cánh tay, bắp chân,…) thì các vùng da chỗ này sẽ bị phồng rộp, bỏng, đau rát. Một vài trường hợp gây viêm da, và nếu không chăm sóc tốt vết thương thì có thể gây nhiễm trùng và tình trạng vết thương trở nặng hơn. Nhìn sơ, hình dạng vết thương rất giống với vết phồng rộp do bệnh Zona (giời leo). 

Biểu hiện sau khi tiếp xúc với chất pederin của kiến ba khoang:

Sưng đỏ và rát tại vị trí da bị tổn thương. Sau đó, chúng sẽ phát triển thành những nốt mụn nước hoặc phỏng nước. Kèm theo đó là cảm giác đau rát hơn cùng với một số triệu chứng như sốt hoặc nổi hạch,…

Vùng da bị tổn thương do độc tố của kiến ba khoang

Thời gian để vùng da bị tổn thương do vết đốt hồi phục khá lâu, kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Lưu ý rằng, khi vô tình để dính chất độc của kiến ba khoang lên mắt, cần phải xử trí ngay. Lúc này, vùng mắt sẽ bị sưng tấy, đỏ và có thể xuất hiện thêm nhiều triệu chứng khó chịu khác.   

Cách xử lý với vùng da bị tổn thương:

Những vết thương của kiến ba khoang gây ra có thể lây sang vùng da lành. Chính vì vậy, chúng ta cần phải xử lý như sau:

  • Sơ cứu đúng cách. Cụ thể là rửa sạch vùng da tổn thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý để tránh chất độc có thể lây lan sang những vùng khác.
  • Loại bỏ kiến ngay khỏi cơ thể bằng cách phủi nhẹ hoặc sử dụng một miếng giấy hoặc mảnh vải nhỏ để hạn chế sự tiếp xúc. Tuyệt đối không dùng tay miết hay chà xát để giết kiến vì có thể khiến chất độc từ máu của chúng dính vào và gây tổn thương cho da. Trong trường hợp, tay đã lỡ tiếp xúc trực tiếp với kiến, cần phải rửa sạch ngay.
  • Hạn chế tối đa việc gãi hoặc chà mạnh tại những vùng da bị tổn thương. Bên cạnh đó, bạn cần phải tránh cho vùng da lành tiếp xúc với vùng da đang bị tổn thương. 

Cách phòng chống:

  • Khi vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang cần chú ý: Kiến ba khoang không tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Các tình huống mà con người có thể tiếp xúc với chất pederin: Cố tình hoặc vô tình đập chết kiến khi chúng bò trên cơ thể, khi kiến bò lên khăn, quần áo đang phơi, con người sử dụng khăn hoặc quần áo này và vô tình chà xát kiến lên cơ thể, gây phóng thích chất độc lên da người. Vì vậy, trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo thì chúng ta phải xem xét kỹ, nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng 1 tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác).
  • Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí.
  • Vì thức ăn của kiến ba khoang là các loại bọ, gián, ruồi,… nên việc dọn dẹp, giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực sống, nhà ở cũng sẽ tránh thu hút kiến ba khoang vào nhà 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *